Bạn thường xuyên đau nhức, phù chân hay có thói quen đứng/ngồi lâu? 1/3 người trưởng thành Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy giãn tĩnh mạch - căn bệnh âm thầm gây biến chứng nguy hiểm như huyết khối, loét da, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tìm hiểu ngay dấu hiệu nhận biết, quy trình khám chuẩn và bí quyết điều trị HIỆU QUẢ do Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ để bảo vệ đôi chân của bạn!
Phóng viên (PV): Thế nào là suy giãn tĩnh mạch và dấu hiệu để nhận biết bệnh gồm những gì, thưa bác sĩ?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch (đặc biệt là tĩnh mạch chân) bị giãn ra, suy yếu và mất khả năng đưa máu trở về tim một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các van tĩnh mạch bị hư hỏng, khiến máu ứ đọng lại trong lòng mạch. Dưới đây là các dấu hiệu để nhận biết bệnh:
Đau nhức, nặng chân, đặc biệt vào cuối ngày.
Phù nề, sưng mắt cá chân.
Nổi các tĩnh mạch xanh tím, ngoằn ngoèo dưới da.
Chuột rút, ngứa hoặc cảm giác nóng rát ở chân.
PV: Xin bác sĩ cho biết tình trạng bệnh suy giãn tĩnh mạch ở Việt Nam như thế nào?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Tại Việt Nam, suy giãn tĩnh mạch đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm. Theo các nghiên cứu, khoảng 25-35% người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh này. Đối tượng dễ mắc bệnh suy tĩnh mạch bao gồm:
Lối sống ít vận động: Người làm việc văn phòng, đứng hoặc ngồi lâu.
Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh.
Người cao tuổi
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh: Di truyền là một trong những nguy cơ chính của suy tĩnh mạch. Gen di truyền liên quan đến cấu trúc thành mạch, van tĩnh mạch yếu bẩm sinh.
PV: Nếu người bệnh không khám, không phát hiện và điều trị sớm thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, thưa bác sĩ?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
Loét da: Do máu ứ đọng lâu ngày, gây thiếu dinh dưỡng cho da.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, có thể di chuyển đến phổi, gây tắc mạch phổi (nguy hiểm tính mạng).
Suy giảm chất lượng cuộc sống: Đau đớn, khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cho bạn đọc về quy trình để khám, xác định bệnh suy giãn tĩnh mạch gồm những bước nào?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Quy trình khám suy giãn tĩnh mạch thường bao gồm các bước sau:
Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, thời gian xuất hiện, tiền sử bệnh lý và các yếu tố nguy cơ (như công việc, thói quen sinh hoạt).
Khám lâm sàng: Bác sĩ quan sát và sờ nắn vùng chân để đánh giá tình trạng tĩnh mạch, tìm kiếm các dấu hiệu như phù nề, viêm, loét da, dấu hiệu các tĩnh mạch giãn ngoằn nghèo. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của suy giãn tĩnh mạch đối với chất lượng cuộc sống của người bệnh
Siêu âm Doppler: Đây là phương pháp chính để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, giúp đánh giá mức độ suy tĩnh mạch và phát hiện huyết khối tĩnh mạch.
PV: Siêu âm suy giãn tĩnh mạch được thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Siêu âm Doppler mạch là phương pháp an toàn, nhanh chóng, không đau, không xâm lấn giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý suy tĩnh mạch. Siêu âm Doppler mạch máu là phương pháp chính trong chẩn đoán và theo dõi bệnh lý suy tĩnh mạch, vì vậy người bệnh nên lựa chọn các cơ sở uy tín với trang thiết bị bảo đảm kết quả siêu âm chính xác nhất. Quy trình thực hiện như sau:
Bác sĩ bôi một lớp gel lên vùng da cần khám.
Dùng đầu dò di chuyển trên da để quan sát hình ảnh tĩnh mạch trên màn hình.
Phương pháp này giúp đánh giá lưu thông máu, phát hiện huyết khối và xác định mức độ suy giãn tĩnh mạch. Thời gian thực hiện thường khoảng 15-30 phút.
PV: Được biết, đầu dò siêu âm suy giãn tĩnh mạch sẽ tiếp cận vào khu vực toàn bộ chân. Vậy người bệnh cần chuẩn bị trang phục thế nào khi đi khám cho phù hợp?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Để thuận tiện cho việc khám vùng chân, bạn nên:
Mặc quần áo thoải mái, dễ cởi bỏ (như quần ngắn hoặc váy).
Tránh mặc quần bó sát hoặc đồ quá dày, vì có thể gây khó khăn khi thực hiện siêu âm.
Để thuận tiện cho quá trình siêu âm, người bệnh vui lòng mặc đồ lót thoải mái và phù hợp. Chúng tôi sẽ tiếp cận vùng chân và vùng đùi, nên đồ lót sẽ giúp đảm bảo sự thoải mái và riêng tư trong suốt quá trình thăm khám.
Việc khám suy tĩnh mạch không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy bạn có thể khám bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc đau nhiều hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, hãy thông báo cho bác sỹ để được tư vấn cụ thể.
PV: Người bệnh có cần nhịn ăn trước khi khám suy giãn tĩnh mạch không, thưa bác sĩ?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Bạn không cần nhịn ăn trước khi khám suy giãn tĩnh mạch. Bạn có thể ăn uống bình thường trước khi đến khám. Để tối ưu thời gian - chi phí cơ hội, bạn có thể đi khám vào buổi chiều. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ trước để đặt lịch và xác nhận giờ khám cụ thể.
PV: Khi nào cần phải điều trị và các phương pháp điều trị cụ thể là gì, thưa bác sĩ?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Những trường hợp sau cần điều trị:
Bệnh nhân có triệu chứng đau nhức, phù nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Có biến chứng như loét da, huyết khối tĩnh mạch.
Tĩnh mạch giãn lớn, gây mất thẩm mỹ hoặc nguy cơ biến chứng cao.
Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:
Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc tăng cường tĩnh mạch, mang tất y khoa.
Điều trị xâm lấn tối thiểu: Tiêm xơ tĩnh mạch, laser nội mạch.
Phẫu thuật: Áp dụng cho trường hợp nặng, không đáp ứng với các phương pháp khác.
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ về chế độ tập luyện sinh hoạt cho người mắc bệnh suy tĩnh mạch?
Ths.BS. Nguyễn Tuấn Hải: Thứ nhất về vận động, tập luyện:
NÊN: Đi bộ nhẹ nhàng 20-30 phút/ngày, bơi lội đạp xe, các bài tập co duỗi chân.
KHÔNG NÊN: Chạy bộ đường dài, nhảy dây, tập tạ nặng, đứng/ngồi bất động quá lâu ( >1 giờ)
Thứ hai, về thói quen sinh hoạt
NÊN: Kê cao chân (khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, cao hơn tim 10-15cm); Mang tất áp lực (theo chỉ định của bác sỹ), massage chân nhẹ nhàng
KHÔNG NÊN: Ngâm chân nước nóng >40 độ C, xông hơi lâu, mang giày cao gót >3 cm
Thứ ba, về chế độ ăn uống:
NÊN: Ăn thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, đậu, yến mạch); Uống đủ nước 2-2,5L/ngày; Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C&E (cam bưởi..)
KHÔNG NÊN: Ăn quá mặn, đồ hộp (gây giữ nước, phù chân); tránh béo phì (duy trì BMI <25)
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc thăm khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
------------------------------------
Khi bạn và người thân nghi ngờ mắc suy tĩnh mạch có thể đăng ký khám tại Viện Tim mạch - Bệnh Viện Mạch Mai
Địa chỉ: ĐƠN VỊ KHÁM VÀ TƯ VẤN TIM MẠCH THEO YÊU CẦU KHU KỸ THUẬT CAO (NHÀ C) - VIỆN TIM MẠCH - BỆNH VIỆN BẠCH MAI - 78 Giải Phóng - Đống Đa - Hà Nội
Thời gian: từ 6h30 - 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng ngày.
Hotline: (+84.0243) 629.0881
Facebook: Viện Tim Mạch Việt Nam